(Thư một bạn đọc)
Gửi Bác!
Được trở thành một công chức (viên chức) nhà nước, có lẽ đây là một niềm ao ước của nhiều người. Và cháu cũng là một trong số đó, và cháu còn có nhiều lý do để mong mỏi điều đó hơn nhiều người khác.
Bởi vậy mà khi BHXH Việt Nam thông báo tuyển viên chức, cháu đã nộp hồ sơ và miệt mài ôn luyện ngày đêm với sự quyết tâm cao độ nhất và hi vọng sẽ có một kết quả thật tốt trong kỳ thi này.
Và còn rất nhiều bạn khác cũng như cháu, rất tích cực học hành. Nhiều người trong đó có cháu, dành hầu hết thời gian và sức lực để ôn thi, có người còn phải đánh đổi rất nhiều thứ khác nữa, gia đình không tạo điều kiện, chồng không ủng hộ, đã vậy lại còn mỉa mai nữa, con nhỏ quấy khóc vì ốm đau. Bản thân cháu có lẽ may mắn hơn vì bố mẹ rất hiểu và tạo điều kiện hết sức để cháu có thể ôn thi.
Nhà cháu làm ruộng, vất vả lắm! Thời gian này đang mùa vụ, hết gặt lúa rồi cấy hái. Hết mùa lúa rồi đến mùa ngô, bố mẹ cháu lên nương từ khi gà gáy không kể ngày nắng như lửa đốt, áo ướt đẫm mồ hôi hay những ngày mưa bão ròng rã . Cháu cũng dậy sớm để học bài, nhìn bố mẹ vất vả, cháu càng cố gắng ôn thi hơn, tự nhủ với bản thân rằng phải cố gắng đỗ trong kỳ thi này.
Cháu vượt cả một đoạn đường dài hàng mấy trăm cây số xuống thủ đô để tham dự kỳ thi, trong lòng vừa nao nao hồi hộp, lo lắng nhưng cũng đầy niềm vui vì bản thân đã chuẩn bị khá là kỹ lưỡng cho kỳ thi này.
Thế nhưng Bác ơi, hi vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, niềm tin của cháu bị sụp đổ hoàn toàn. Nó như cơn bão đổ bộ vào lòng Hà Nội trong mấy ngày thi vậy.
Trước những ngày thi, trên các diễn đàn có người thông báo có đề và tài liệu chuẩn, họ gửi mail đến từng cá nhân trên diễn đàn, nói về mức độ tin tưởng của đề thi và mức độ chính xác của tài liệu chuẩn, họ rao bán bộ đề với giá 1 triệu/môn. Có người tin, người không Bác ạ. Rồi người ta đăng tin địa điểm cụ thể bán phao, tài liệu thi thường xuyên, liên tục trên diễn đàn, bảo đảm độ chính xác của tài liệu, có cả sơ đồ chỉ dẫn đến hẳn địa điểm mua phao nữa.
Ngày thi đã đến, trước lúc vào phòng thi, thí sinh họ nháo nhào kêu gọi quyên góp tiền đi giám thị, 100 nghìn, 200 nghìn, chẳng biết họ đã in sẵn cả danh sách thí sinh phòng thi từ lúc nào để thu tiền rồi đánh dấu những ai nộp, họ để ý xem ai mới đến rồi ra để kêu gọi đóng tiền. Cháu cũng được huy động như vậy đấy. Khi cháu tuyên bố không đóng tiền và không quay bài và nói với mọi người rằng sẽ không quay được đâu thì ai cũng mở mắt tròn xoe nhìn cháu với con mắt như cháu là người ngoài hành tinh, là vật thể lạ vậy. Nói thật là lúc đó cháu rất là ngại và cảm thấy mình lạc lõng kinh khủng. Cháu cũng hiểu một vấn đề rằng nếu mình không hòa đồng và không theo cái chung của tập thể thì tự bản thân mình sẽ tự đẩy mình ra xa, tự “xây mồ chôn mình”, tự mình cô lập mình.
Trong khi làm bài thi, thanh tra bên ngoài và giám thị có bắt và lập biên bản Bác ạ, nhưng trong khi cháu và những người khác đang cố gắng làm sao viết thật nhanh, viết đau nhừ cả tay không dám ngừng vì đề khá dài thì xung quanh họ vẫn giở tài liệu bằng đủ mọi cách. Phao trong túi quần, trong hộp bút, thậm chí cả ở trong áo ngực nữa. Có bạn giở tài liệu ở tất cả các môn từ chuyên ngành, trắc nghiệm, Kiến thức chung mà không hề bị “phát hiện”. Thi trắc nghiệm thì thật là vui. Bác biết không, phòng thi xôn xao như học nhóm vậy.
Rồi Bác biết không, ngày thi thứ hai, ngoài hành lang phòng thi, người ta nói chuyện với cháu: phòng anh(chị) coi dễ lắm, may là mang phao vào, chép từ đầu đến cuối, hôm nay cũng cố gắng như vậỵ hay “ Phòng chị giám thị có nhận phong bì mà, chỉ để ý giám thị hành lang và thanh tra bên ngoài một tí, chứ trong phòng thì thoải mái thôi mà”. Rồi có người cũng không hề học gì mà vẫn đi thi, hỏi bạn ấy học hết đề cương không, bạn ấy trả lời với cháu rằng chưa hề học gì cả, bạn ấy không biết Luật BHXH như thế nào, Luật BHYT ra sao, nhưng bạn ấy vẫn làm được bài, vẫn viết đủ ý cả.
Đấy là những gì cháu được mắt thấy, tai nghe, tận mắt chứng kiến được.
Và trên các diễn đàn, sau khi đi thi về, họ bàn luận, bình phẩm nhiều lắm Bác ạ. Họ nói phòng này giám thị nhận tiền, phòng kia giám thị canh chừng thanh tra cho thí sinh quay bài, phòng này có COCC, con cháu của người này, người kia, có người dùng tai nghe Blutooth để chép bài, phòng có VIP, được chuyển chỗ, được giám thị “quan tâm”, được thu bài sau cùng, thí sinh được gửi gắm.
Cổng trường nơi cháu thi họ bán đầy phao của các môn; và môn tiếng Anh, cháu cũng thử mua một bộ xem qua, vào phòng thi khi giám thị phát đề thì quả là ngạc nhiên lắm, lúc đó cũng ước gì mình xem thật kỹ cái tập phao vừa mua thì chắc làm ngon lành, nhanh vèo vèo mà không cần phải đọc đi đọc lại như thế. Mấy quán photo ngoài cổng trường chắc làm ăn phát đạt vào 2 ngày thi này lắm. Và còn cả điều này nữa, cháu thấy lạ quá. Người thân của thí sinh chờ đợi ở cổng trường hỏi những người thi xong sớm và ra trước về đề thi của các môn có đúng như những câu hỏi được bôi đen trong tập câu hỏi mà họ đang cầm trong tay hay không. Mà điều ngạc nhiên ở chỗ tất cả đều đúng. Rồi họ cảm thấy tâm đắc với cái tập câu hỏi đó lắm đấy ạ. Chẳng lẽ lại có thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế này sao hả Bác? Hay chẳng lẽ thầy bói lại bói đúng đến vậy?
Người ta lại kháo nhau rằng có thí sinh làm bài trước khi giám thị đọc đề thi, có người đã có đáp án sẵn cho các câu hỏi trắc nghiệm. Và họ truyền tay nhau bộ đề thi được giải sẵn của môn tiếng Anh, những bài test được khoanh, đánh dấu là đã được thi ở các cụm thi trước. Và thật đúng là siêu nhân vì bài thi tiếng Anh rơi đúng vào 2 bài test còn lại trong tập tài liệu đó. Cháu thấy thí sinh thi BHXH thật là giỏi Bác ạ, vì họ tìm được tài liệu chính xác quá! Họ kháo nhau về chuyện chạy chọt bao nhiêu tiền, các chỉ tiêu đã được sắp xếp ra sao, chạy từ khâu đề thi hay chấm thi, …
Những người như cháu đi thi được gọi là “dân đen”, có người nói “dân đen” mà đỗ thì đúng là một kỳ tích, bài làm phải có sự đột phá, phải đặc biệt, như vậy mới có cơ hội. Và còn nhiều, còn nhiều nữa nhưng có lẽ cháu chỉ kể với Bác bấy nhiêu thôi là cũng đủ để Bác có thể hình dung ra được kỳ thi này nó như thế nào rồi đúng không ạ?
Và lại nói đến bản thân cháu, khi bước vào phòng thi với niềm hi vọng, phấn chấn bao nhiêu thì sau khi bước chân ra khỏi cổng trường, niềm tin và hi vọng của cháu đã bị sụp đổ hoàn toàn. Không phải vì cháu không làm được bài, thậm chí cháu còn làm bài tốt Bác ạ (theo cháu thì là như vậy), điều này còn phụ thuộc vào việc chấm thi nữa. Cháu nghi ngờ, lo lắng và cháu không còn đủ tự tin để khẳng định được rằng mình liệu có đỗ được trong kỳ thi tuyển viên chức này hay không???
Sau kỳ thi này, tự nhiên cháu thấy hoài nghi về mọi thứ, về những điều bố cháu đã từng dăn dạy, có lẽ nó không đúng hoàn toàn như bố cháu đã từng nói. Cháu cần phải làm gì để có thể lấy lại được niềm tin đây ạ?
(Quê Choa)
No comments:
Post a Comment