Friday, August 17, 2012

Nhậu một tệ nạn lớn ở Việt Nam

"Không biết uống rượu thì về nhà mặc váy đi...", Trường, nhân viên một công ty bất động sản ở TP HCM nói khích khi người bạn trong nhóm từ chối uống rượu khiến anh bạn tức đỏ mặt tía tai.

23h đêm nhưng đông đảo khách nhậu vẫn "ngồi đồng" ở một quán ốc trên đường Thành Thái (quận 10, TP HCM). Ở một góc quán, tiếng la hò í ới cụng ly của hơn chục thanh niên vẫn không ngớt.

Nói về lý do đến đây, Tùng, một thành viên trong nhóm cho biết hôm nay là sinh nhật trưởng phòng nên anh em trong phòng rủ sếp đi ăn mừng. "Mỗi người góp vào gần một triệu đồng, cũng tốn kém lắm nhưng phải chịu thôi. Có đi nhậu mới gắn kết tình cảm anh em được. Đàn ông trên bàn nhậu dễ nói chuyện và thân nhau hơn", anh giải thích.

Cho đến khi cả đám đã ngà ngà say, một người trong nhóm xin phép "qua tua" vì không thể uống nữa, một thanh niên tên Trường giễu cợt "Nam vô tửu như kỳ vô phong, không biết uống rượu thì về nhà mặc váy. Ở Việt Nam phải biết uống rượu mới là chuẩn đàn ông...". Vừa nghe thế cả nhóm phá lên cười khiến thanh niên kia đỏ mặt tía tai và tức tối bỏ ra ngoài.


Trời đã khuya các ông vẫn "ngồi đồng" ở một quán nhậu trên đường Thành Thái, TP HCM. Ảnh: Thi Trân.


Trên con đường Thành Thái được mệnh danh là "phố hải sản" ở quận 10 này có gần 20 quán nhậu lớn nhỏ ngày nào cũng hoạt động tấp nập, đông nhất là từ 20h đến nửa đêm. Khách hàng đa phần là đàn ông đủ mọi lứa tuổi, từ thanh niên choai choai đến các ông 50 tuổi, khách nữ chỉ lác đác vài người đi cùng chồng hoặc bạn trai.

Trời đã khuya, một "phái đoàn" gần chục chiếc xe hơi ùn ùn tắp vào một quán ốc. Bước xuống xe là các quý ông ăn mặc chỉn chu, đi cùng còn có mấy cô chân dài. Vừa thấy xe, bà chủ quán vồn vã giục các nhân viên nhanh chóng dọn chỗ cho "khách VIP".

Một người đàn ông trạc 35 tuổi trong "phái đoàn" cho biết, mỗi lần bắt mối làm ăn hoặc ký hợp đồng kinh doanh xong đều phải dẫn đối tác đi nhậu để tạo mối giao hảo về sau. "Nói gì thì nói 90% thành công có được là từ bàn nhậu cả. Thậm chí có đối tác đi tăng một xong còn đòi tăng hai tăng ba, mình vẫn phải chiều. Mỗi đêm thế này tốn cả chục chai (chục triệu đồng) nhưng mà ai cũng thế, sống trong môi trường này mình không thể ngoại lệ được".

Ra quán để trao đổi làm ăn đã đành, nhưng thật ra đa phần lý do nhậu của đàn ông chẳng liên quan gì đến công việc.
Khảo sát nhanh của VnExpress.net trên hơn 5.500 người cho thấy, số người ra quán để "giải quyết công việc" chỉ chiếm 16%, trong khi gần 40% số người được hỏi nhậu theo kiểu ngẫu hứng, nghĩa là thích thì ra quán, không có mục đích gì cả. Ngoài ra, cứ 10 người thì có gần một người thừa nhận ra quán chỉ để trốn việc nhà.

Với đa số đàn ông, nhậu nhẹt, quán xá chỉ là cái cớ để họ có thể ngồi tụ tập, vui vẻ hay "chém gió". Chính vì thế, họ xuất hiện ở quán trong mọi dịp, từ đám cưới, đám giỗ, đám ma, đám thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, thăng chức, mất chức, hoặc thậm chí chỉ cần đẹp trời (hoặc trời mưa) cũng là cái cớ tốt để rủ nhau đi nhậu.
Một khảo sát khác của VnExpress.net trên hơn 6.300 người cho thấy hơn 50% quý ông hay đi nhậu sau khi tan sở, trong đó có 13% quý ông ngày nào cũng "trồng cây si" ở quán.

Người nhiều tiền nhậu thường xuyên không ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng với người hạng trung bình và thấp, những khoản tiền đổ vào quán chiếm một phần không nhỏ, thậm chí còn bằng hoặc hơn số tiền đóng góp nuôi con. Nhưng chẳng mấy khi họ nhận thức được sự hoang phí này.

Anh Đức, kỹ sư tin học với mức lương khoảng chục triệu, làm việc trong Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh Linh Đàm (Hà Nội) không ngại xưng mình là một tín đồ "thà chết chẳng bỏ nhậu". Với anh tuần đôi, ba lần nhậu là ít. Ngoài nhậu, hễ rảnh lúc nào là anh lại tụ tập cafe, trà đá với đồng nghiệp.

Anh nói: "Với chúng tôi, ngày trẻ nhậu vì buồn, khi có vợ thì nhậu cho đời đỡ chán ngắt, lúc có sự nghiệp càng phải nhậu để thăng tiến... Tóm lại, là đàn ông thì không thể thiếu nhậu".

"Ít tiền có nhậu của ít tiền, nhiều tiền có cách nhậu của người nhiều của. Tôi thì một tháng đôi ba lần tới nhà hàng, mỗi lần mất khoảng vài trăm, còn lại uống bia cỏ cũng làm nên cuộc vui. Cả tháng tốn khoảng đôi triệu tiền nhậu nhẹt", anh chia sẻ thêm.


Quán ốc nổi tiếng ở quận 10 tối nào cũng tấp nập khách đến ăn nhậu. Ảnh: Thi Trân.

Tự nhận mình là người thích nhậu, bởi "trong không khí quán xá, có bạn hợp 'cạ' thì mệt mỏi sẽ được giải tỏa phần nào. Quan trọng là được tụ họp, chém gió trời ơi đất hỡi, nói được bức bách trong lòng", anh Đức cho biết thêm.

Tuy vậy, sau mỗi cuộc nhậu, nhất là khi nhậu với đám bạn thân anh thường say xỉn: "Nhậu xong là tôi cứ thấy mình ngu ngu, làm việc không hiệu quả. Nghĩ lại cảnh vợ dìu cái xác không xương vào phòng rồi tìm cách giã rượu, lau người. Sáng dậy còn phải tất bật lo ăn sáng, đưa con đi học mà thấy tội. Những lúc ấy, tôi cũng thật chẳng hiểu thằng đàn ông trong mình là gì", anh Đức tâm sự.

Còn với Đạt, 29 tuổi, một công chức nhà nước với mức lương hơn 5 triệu đồng nhưng đều đặn tháng nào cũng rải 2-3 triệu đồng cho quán xá, nên có tháng không để dư được đồng nào. Tháng nào khá thì đưa được cho vợ 2 triệu đồng nuôi con.

"Thực tình đã có lần mình từ chối bạn nhậu nhưng vừa đưa ra lý do thì lập tức bị bạn nhậu 'chém' ngay: 'Từ ngày có vợ mày vứt bạn vào xó. Không có ông thì cả hội mất vui', hoặc tệ hơn còn là 'Tao có chuyện buồn, muốn tâm sự, để tao gọi cho vợ mày xin phép'".

"Những lý do bạn nhậu đưa ra thuyết phục như nhà hùng biện, như đại biểu quốc hội phát biểu ấy. Cho nên có thể từ chối dẫn vợ đi chơi chứ sao mà khước từ bạn nhậu cho được. Với lại tôi cũng hay phải đi nhậu với sếp, để được sếp quý", anh Đạt thú nhận.

"Các bà vợ cứ nói chúng tôi ngụy biện chứ đúng là ở Việt Nam, chuyện làm ăn là phải nói trên bàn nhậu, thăng quan, tiến chức, tăng lương...cũng trên bàn nhậu tất. Sung sướng gì chuyện gì nhậu nhẹt, nhét toàn thứ độc vào người... Đã thế nhập cuộc rồi chỉ uống, càng uống càng mệt người nhưng vẫn nhắm mắt mà nuốt thứ nước đắng cay vào bụng, may ra được sếp cho tí quyền lợi", người đàn ông này thở dài chua chát.

Anh cũng cho biết đám bạn của anh người nào cũng thế cả, thậm chí còn "trên cơ" trong khoản nhậu nhẹt này. "Cho nên nếu hỏi về nhậu, đàn ông có thể kể ra cả trăm lý do cho cái thói quen đã định hình thành 'văn hóa' ấy. Nếu hỏi sau cuộc nhậu có thấy tội lỗi với vợ con gần như ai cũng cúi mặt nhưng nói đến bỏ nhậu thì đừng mơ", anh Đạt khẳng định.


Nguồn: Thi Trân - Phan Dương/ VNE

1 comment:

  1. Tuy vậy, sau mỗi cuộc nhậu, nhất là khi nhậu với đám bạn thân anh thường say xỉn: "Nhậu xong là tôi cứ thấy mình ngu ngu, làm việc không hiệu quả. Nghĩ lại cảnh vợ dìu cái xác không xương vào phòng rồi tìm cách giã rượu, lau người. Sáng dậy còn phải tất bật lo ăn sáng, đưa con đi học mà thấy tội. Những lúc ấy, tôi cũng thật chẳng hiểu thằng đàn ông trong mình là gì", anh Đức tâm sự.

    ReplyDelete