Sunday, February 10, 2013

Philippines : Trung Quốc không phải là láng giềng tốt!


(GDVN) - Trung Quốc đã xây dựng những cấu trúc khá lớn mang tính bền vững trên vùng biển tranh cấp. "Trung Quốc không phải một láng giềng tốt", vị quan chức này cho biết.


Tàu chiến, máy bay Trung Quốc tập trận (trái phép - PV) trên Biển Đông

Tờ Manila Standard Today ngày 9/2 đưa tin, Bắc Kinh sẽ "bỏ qua" vụ Philippines kiện đường lưỡi bò phi pháp mà Bắc Kinh vẽ ra nhằm độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, đồng thời tiếp tục lăng lặng đẩy mạnh việc xây dựng các cấu trúc vĩnh viện trên các bãi đá, bãi ngầm và các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Một nhà ngoại giao Philippines giấu tên nói với tờ Manila Standard Today rằng Trung Quốc đã xây dựng những cấu trúc khá lớn mang tính bền vững trên vùng biển tranh cấp. "Trung Quốc không phải một láng giềng tốt", vị quan chức này cho biết.

Ông cũng cho hay, Bắc Kinh vẫn liên tục duy trì ít nhất 3 tàu công vụ (Hải giám) án ngữ ở ngõ vào đầm phá bên trong bãi cạn Scarborough, ngư trường truyền thống và vùng biển chủ quyền của Philippines, ngăn chặn các tàu cá Philippines quay trở lại đánh bắt.

Trung Quốc còn căng dây, kéo cáp ngăn chặn lối vào bên trong đầm phá Scarborough. Ngày 22/1 Manila đệ đơn kiện Bắc Kinh ra Hội đồng trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển, chỉ một vài ngày sau Bắc Kinh còn nghênh ngang tuyên bố rằng nó sẽ đẩy mạnh tiến độ và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng trên cái gọi là "thành phố Tam Sa" trong năm 2013.

Cuối năm 2012 Bắc Kinh đã rót ngân sách 1,6 tỉ USD cho việc xây dựng trái phép 1 sân bay, cầu cảng và cơ sở hạ tầng ở trung tâm hành chính cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trái phép trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp - PV).

Walter Lohman, một học giả thuộc Trung tâm nghiên cứu Châu Á có trụ sở tại Mỹ cho rằng, Bắc Kinh lựa chọn bỏ qua trọng tài vì họ "đã nhìn thấy một cơ hội củng cố lợi thế của mình". Theo học giả này, Trung Quốc cho rằng cần phải thực thi kế hoãn binh để có thời gian xâm chiếm trên vùng biển giàu tài nguyên.

Ông cũng khẳng định, Trung Quốc biết chắc chắn rằng họ sẽ không thể giành chiến thắng khi tranh cãi về tính hợp lệ của cái gọi là đường lưỡi bò chín đoạn của mình. Từ quan điểm đó, Bắc Kinh đang thực thi chiến lược lờ đi kênh đàm phán ngoại giao, trọng tài quốc tế hay xây dựng quy chế ứng xử trên Biển Đông (COC) mà chỉ tập trung thúc đẩy "lợi thế trên thực địa".

Hồng Thủy (Nguồn: Manila Standart Today)

Saturday, February 2, 2013

Dương đông kích tây, coi chừng Trung Quốc chiếm Trường Sa



Tham vọng của Trung Quốc với hình lưỡi bò.

Để tiếp tục mộng bá quyền,Trung Quốc đã thay đổi chiến lược phù hợp với tình hình mới vì không thể nào chiếm và sát nhập theo kiểu Tây Tạng, Tân Cương như trước kia.

Con đường Nam tiến của Trung Quốc đã thay đổi


Thời đại toàn cầu hóa cũng có nhiều cái lợi do các nước gần nhau hơn trong trao đổi kinh tế. Sự gần nhau qua đối tác kinh tế đã thúc đẩy lên một bước sự gần nhau trong ngoại giao. Liên Hiệp Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc làm vùng đệm giữa các quốc gia, đồng thời điều hòa các cuộc xung đột đa quốc gia qua diễn đàn của mình, và nếu cần có thể dùng lực lượng quân sự để ngăn chặn các cuộc chiến tranh. Với sự can dự và là bổn phận của Liên Hiệp Quốc, không một cuộc chiến tranh nào giữa hai quốc gia thành viên có thể kéo dài lâu. Điều này giải thích tại sao Do Thái, để tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ nước láng giềng, tìm mọi cách ngăn chận Palestine trở thành nước thành viên mới của Liên Hiệp Quốc.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có nhiều khả năng phải từ bỏ quan niệm chiến tranh cục bộ chiếm đóng lãnh thổ nước khác, trước mắt là Việt Nam. Cuộc chiến tranh chống Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc cũng không đem lại lợi ích gì cho Trung Quốc vì cuối cùng Trung Quốc cũng phải rút quân mặc dù phía Việt nam không phản đối trước Liên Hiệp Quốc hoặc yêu cầu sự can thiệp của tổ chức này. Các nước khác thì lờ đi vì họ xem là cuộc chiến nội bộ giữa hai nước cộng sản đồng chí nên không ai giúp Việt Nam đem ra diễn đàn quốc tế.

Tuy nhiên, để tiếp tục mộng bá quyền,Trung Quốc đã thay đổi chiến lược phù hợp với tình hình mới vì không thể nào chiếm và sát nhập theo kiểu Tây Tạng, Tân Cương như trước kia. Vì vậy mục tiêu chiếm và đồng hóa Việt Nam đã bị "yếu tố thời đại" xóa bỏ.

Con đường Nam tiến của họ đã từ bỏ đất liền để vươn ra vùng biển Đông, nơi được xem là có trữ lượng dầu thô và khí đốt quan trọng, đồng thời cũng là nơi phần lớn tàu chở dầu với trọng tải lớn qua lại. Đất liền chỉ còn giữ vai trò bảo vệ Biển Đông, bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà nhờ đó Trung Quốc khẳng định và củng cố đường lưỡi bò trên biển.

Để quy phục Việt Nam, theo tôi Trung Quốc sẽ mở ra hai mặt trận:
- Trên đất liền: vì không thể chiếm đóng, nên mục tiêu là làm cho Việt nam ngày càng yếu đi, nằm trong vòng kiềm tỏa Trung Quốc và không thể phát triển được (tiếp tục việc đã làm từ thời Mao).

Điều kiện vô cùng thuận lợi của họ là có "núi liền núi, sông liền sông" với Việt Nam, cho phép dùng kinh tế để làm đòn bẩy thực hiện mộng bá quyền:

1- Hàng hóa kém chất lượng nhưng giá lại quá rẻ, lậu hay không lậu, sẽ đánh bại hạ tầng kinh tế còn èo uột của đối phương;

2- Con bài tham nhũng, một điểm rất mạnh của người Tàu, như những con sâu chui lỗ nào cũng lọt, tàn phá những gì còn lại.

Với gần một tỷ rưỡi dân số, họ có nhiều tiền để mua chuộc những người sẵn sàng bán mất lương tâm. Nếu những người này nắm quyền thì chính quyền hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc. Một quân đội được điều khiển bởi một chính quyền đã bị khuynh loát như thế, chỉ còn khả năng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và là một lá bài xuất sắc trên mặt trận đất liền này.

Phải làm thế nào để chính quyền Việt Nam luôn luôn là "đồng chí sông liền sông núi liền núi" của Trung Quốc, bằng mọi cách, trong đó có những "đại cục", những "16 chữ vàng".

Huyện đảo Trường Sa

- Đối với biển đảo: đây là vùng được xem là tranh chấp chủ quyền nên nếu chiến tranh trên các quần đảo này được khoanh vùng lại thì Liên Hiệp Quốc cũng không có cơ sở can thiệp.

Mặt khác do diện tích các đảo rất hẹp, các cuộc tấn công và phòng thủ đều xảy ra trên biển và khi đó, lực lượng hải quân và không quân sẽ chiếm ưu thế.

Để bảo vệ đuợc các đảo này, việc đánh tan ý chí của đối phương là điều quyết định vì một khi biển đảo đã bị chiếm đóng quân sự, rất khó lòng chiếm lại bằng quân sự.

Trường hợp Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa là một thí dụ. Chính quyền Việt Nam dấu nhẹm dân tin tức mất Hoàng Sa, đến khi không giấu được nữa, vì bị đối phương tháu cáy, thì chỉ có phản đối bằng những tuyên bố "ngoại giao". Do không có trở ngại nào, tình hình Hoàng Sa luôn ổn định, nên Trung Quốc ngang nhiên xây dựng lâu dài những công trình về quân sự cũng như du lịch. Hoàng Sa được xem là mất đứt về tay Trung Quốc.

Với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc cũng chẳng cần đánh bằng quân sự. Họ đem tàu hải giám có máy bay trực thăng và tàu cá ra tràn ngập vùng biển, họ sẽ đuổi tàu cá của chúng ta. Chúng ta làm gì? Khuyến khích ngư dân bám biển để bảo vệ tổ quốc ư? Đó là xúi trẻ con đi ăn cắp trứng gà! Lực lượng hải quân của ta còn chưa ló mặt thì làm sao xúi ngư dân đi lên phía trước? Tàu cảnh sát biển của ta mới chỉ hoạt động từ Vịnh Bắc bộ xuống đến Thanh Hóa, là vùng không còn tranh chấp nữa vì đã ký hiệp định phân vùng Vịnh Bắc bộ với Trung Quốc.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: "với chiến lược độc chiếm Biển Đông song lại không muốn đánh rơi "mặt nạ hòa bình", Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xua "đội quân" tàu cá hàng chục nghìn chiếc xuống Biển Đông, đặc biệt là các vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của các nước. Đội quân này luôn đi thành từng đoàn lớn khiến các tàu cá vốn đã nhỏ, mã lực yếu như của Việt Nam không thể nào cạnh tranh nổi dù hoạt động trên vùng biển chủ quyền của nước mình.

Đây gọi là lấy thịt đè người, không đánh, không dùng đến lực lượng vũ trang mà vẫn độc chiếm được các vùng đặc quyền kinh tế, cướp được tài sản của các nước khác trong đó có Việt Nam. Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển theo hướng này".

Hôm nay, Trung Quốc đang làm sôi động trên Biển Đông với Philippines, quen thói vào vùng biển Việt Nam như chỗ không người nên Trung Quốc đưa máy bay, tàu hải giám đến vùng đảo Senkaku của Nhật, nhưng có dám vào đâu. Cứ lẩn quẩn chung quanh và dọa thế thôi, nhưng vào là Nhật đuổi ra ngay.

Coi chừng Trung Quốc làm rối lên như thế để dương đông kích tây rồi bất thần xua tàu cá, quân đội đổ bộ lên huyện đảo Trường Sa và xem như chuyện đã rồi. Khi đó nếu Việt Nam cũng chỉ phản đối như thường lệ thì ai thèm bảo vệ Việt Nam? Mà dù làm thế nào đi nữa thì cũng muộn rồi, việc chiếm đóng Trường Sa cũng là chuyện đã rồi. "Con cháu đời sau sẽ lo chiếm lại" như lời Tuyên giáo từng nói!

Chiếm Hoàng Sa, và chiếm luôn Trường Sa, đối với Trung Quốc là đường lưỡi bò đã được đặt cơ sở.

Chỉ còn cách là làm triệt tiêu ý chí xâm lược của Trung Quốc mới mong giữ những gì còn lại trên quần đảo Trường Sa. Lãnh đạo ta biết thừa phải làm gì để triệt tiêu ý chí xâm lược của Trung Quốc, nhưng họ không làm vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân quan trọng là "đồng chí núi liền núi, sông liền sông".

Núi liền núi, sông liền sông

Cũng trong một bài phỏng vấn, Thiếu tướng Lê Văn Cương giải thích tại sao Việt Nam chưa làm được như Philippines, quan điểm này chắc chắn là quan điểm của Đảng và Chính phủ. Ông nêu ra ba điều để biện hộ cho việc "ta chưa làm như Philippines được":

Thứ 1: “núi liền núi, sông liền sông” với người hàng xóm.

"Người ta có thể thay đổi bạn bè nhưng láng giềng thì không. Điều này không bao giờ được phép lãng quên trong quan hệ Việt - Trung."

Thứ 2: ân nghĩa với người hàng xóm.

"Trong cuộc trường chinh kháng chiến chống Pháp 1945- 1954, rồi sau đó là kháng chiến trường kỳ chống Mỹ đến năm 1975, chúng ta được Đảng và nhân dân Trung Quốc ủng hộ rất tuyệt vời, cả về vật chất, tinh thần, chính trị, an ninh, văn hóa… Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên ân tình này".

Thứ 3: đồng chí với người hàng xóm.

"Việt Nam và Trung Quốc nằm trong hệ thống chính trị gần gũi nhau".

Nghe những điều trên tôi nghĩ rằng Trung Quốc có số bọc điều mới có được những người lãnh đạo hiện nay ở Việt Nam. Nghĩ ra mà tủi cho Việt Nam chúng ta khi nhìn về phía Campuchia.

Campuchia với ta cũng "núi liền núi, sông liền sông" rất dài, Hun Sen mang ân sâu nghĩa nặng với ta. Nếu không có Việt Nam thì Hun Sen có lẽ đã bị tàn sát cùng với hàng triệu người Miên bởi bọn Khmer Đỏ, mà người ủng hộ Khmer Đỏ là Trung Quốc. Trung Quốc đã tiếp tay cho bọn đồ tể Pôn Pốt trong âm mưu diệt chủng. Có thể nói Việt Nam có công mang đau đẻ nặng Hun Sen, cho Hun Sen tá túc và dựng lên chính quyền Hun Sen.

Đảng của Hun Sen với Việt Nam có tình đồng chí từ năm 1930 dưới thời Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm nào Đảng ta cũng ca ngợi tình đồng chí khắng khít giữa hai đảng.

Thế mà ở hội nghị Phnom Penh vừa qua, Hun Sen đã chọn Trung Quốc, người đồng chí không có "núi liền núi, sông liền sông" sau khi được tặng 400 triệu đô la để phá ASEAN và Việt Nam. Hun Sen còn đặt lại vấn đề biên giới với Việt Nam.

Tôi không trách Hun Sen, ông ta có quyền chọn lựa lợi ích của dân tộc ông. Tôi chỉ trách những người đưa ra 3 chiêu bài nói trên để biện hộ cho sự... Tôi ngao ngán không biết nói là "sự" gì nữa, ngoài cái "sự" rất nhẹ tội là ngây thơ, vô tình làm cho dân tộc ta hèn. Những "sự" khác chắc bạn đọc đoán ra cũng biết rồi.

Bỏ qua những bá láp

Thời chiến tranh lạnh đã qua đi bằng sự tự sụp đổ của hầu hết các nước cộng sản. Ngay trong thời hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện hữu, Tiệp Khắc là nước sản xuất thép có hạng, họ cũng không bao giờ tiết lộ kỹ thuật chế thép cho đồng chí Việt Nam. Những máy kéo gọi là "con trâu sắt" do Việt Nam chế ra, chất lượng rất kém và hiện nay ,cùng với nhà máy gang thép Thái Nguyên, không còn được ai nhắc tới.

Ở Hà Nội cho đến năm 1977, thời còn hệ thống xã hội chủ nghĩa, có những con đường còn mang tấm bảng "cấm người ngoại quốc". Ngoại quốc là ai? Đó là những ông tây bà đầm của khối xã hội chủ nghĩa, làm gì thời đó đã có tư bản đi lang thang trên thành phố Hà Nội.

Thế mới biết rằng giữa các quốc gia chỉ có quan hệ đối tác. Mặc dù giữa người với người, lãnh đạo với lãnh đạo, còn có quan hệ bạn bè, cá nhân. Nhưng giữa hai quốc gia không thể có đồng chí. Hiểu sâu xa chữ đồng chí là gì? Là "mình với ta tuy hai mà một". Đất nước biển đảo mà đưa "đồng chí" vào chỉ có nước yếu bị thiệt.

Chúng ta đã có bài học năm 1958, bài học năm 1974. Lại nữa đồng chí được hiểu là cộng sản, là 3 triệu đảng viên ở Việt Nam hiện nay. Làm sao họ có thể nhân danh cho 90 triệu người, nhân danh tổ tiên, nhân danh một ngàn năm nô lệ để "mình với ta tuy hai mà một" với bá quyền Trung Quốc được? Không ai được phép làm như thế!

Không đồng chí thì đồng gì?

Như trên đã nói phải "làm triệt tiêu ý chí xâm lược của Trung Quốc mới mong giữ những gì còn lại trên quần đảo Trường Sa".

Trung Quốc rất sợ Việt Nam đồng minh với Mỹ, cũng như sợ Triều Tiên thống nhất với Hàn Quốc. Họ sợ vì thâm tâm họ cứ muốn đi xâm chiếm nên phải bảo vệ biên giới cho kỹ. Vì sao khi Trung Quốc càng mạnh thì nỗi lo ngại của thế giới càng cao, trong khi Mỹ, Nhật, Đức, Pháp càng mạnh thì thế giới càng chào đón? Chính vì ai cũng nhìn thấy rõ mộng bá quyền nơi lãnh đạo Trung Quốc. Hitler và phát xít đã cho thế giới một bài học đẫm máu và cả nước mắt.

Bạn thù phải rõ rệt

Khi Trung Quốc tìm cách xâm lấn biển đảo của Việt Nam thì làm sao có thể xem Trung Quốc là bạn được chứ đừng nói đồng chí.

Không nói dài dòng nữa: chỉ có kết chặt đồng minh với Mỹ, Nhật, Cộng đồng Âu châu thì mới có thế đối trọng được với Trung Quốc. Ý chí xâm lược của Trung Quốc dù không bị triệt tiêu cũng sẽ nhờn đi. Nhất là Mỹ đang quay lại và đặt trọng tâm vào Châu Á thì một tàu sân bay của Trung Quốc cũng chẳng là cái gì trước lực lượng hải quân Mỹ.

Gần đây, Việt Nam cũng tìm cách mua tàu ngầm, phô trương tập diễn quân sự, nhưng thực chất là để trấn an lòng dân. Dân đâu có ngu đến thế, dù tướng có thanh bảo kiếm trong tay nhưng vua run sợ ra lịnh chùn thì tướng làm sao dám đánh?

Lại nữa những tuyên bố gần đây của Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Đại tá tuyên giáo Trần Đăng Thanh cho thấy tình sâu nghĩa nặng đối với Trung Quốc cao hơn tất cả. Nhưng cho ai thấy? Chính là dấu hiệu muốn cho Trung Quốc thấy hầu mong Trung Quốc thương tình.

Nhưng mộng bá quyền của Trung Quốc làm gì có chỗ cho "thương tình"!

Nguồn: N.T.C./BVN