Chuyện một người nước ngoài nhặt rác làm sạch vỉa hè đã kỳ lạ nhưng chuyện một doanh nhân người Nhật Bản dành thời gian ngày nghỉ cuối tuần để thu gom rác thải làm đẹp Hồ Gươm càng gây hiếu kỳ hơn. Ông là Ninomiya, giám đốc Công ty ISHIGAKI RUBBER Việt Nam có trụ sở tại khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư thuộc quận Long Biên, Hà Nội. Hơn một năm nay, vào các buổi sáng Chủ nhật, ông lại đến Hồ Gươm thu dọn rác thải, vỏ chai nước cho vào thùng rác công cộng.
Ông Ninomiya nhặt rác vào sáng Chủ nhật hàng tuần
Những doanh nhân đặc biệtNgày Chủ nhật, dòng người từ khắp nơi đổ về Hồ Gươm (Hà Nội) thư giãn, ngắm cảnh. Vậy nhưng ở phố Đinh Tiên Hoàng có một người đàn ông trung niên mặc quần soóc, áo phông đang lúi húi nhặt rác dưới gầm ghế đá. Ông đặc biệt gây chú ý với chiếc ba lô rất gọn, tay trái cầm túi nilon to, tay phải cầm kẹp sắt dài nửa mét hết đứng lại ngồi, đôi lúc cúi gập cả người xuống gầm ghế đá ven hồ để cố moi lấy những mẩu thuốc lá hút dở lẫn vào đất hay vỏ chai nước lăn lóc mà ai đó đã cố tình ném vào.
Đến nay, ông Ninomiya đã có "thâm niên" một năm nhặt rác tại Hồ Gươm. Thời gian đầu, một mình ông lặng lẽ làm công việc "không công" này nhưng đến nay, đã có hơn mười người Nhật Bản và năm người Trung Quốc cùng tham gia việc làm ý nghĩa này. Công việc nhặt rác vào mỗi buổi sáng Chủ nhật chỉ kéo dài chừng nửa giờ nhưng mỗi người cũng nhặt được một túi rác khá to và nặng tới vài kg. "Thực sự là có quá nhiều rác cần phải nhặt, nhất là sau những ngày cuối tuần" - Hùng, một tình nguyện viên tham gia nhặt rác cùng doanh nhân Nhật Bản chia sẻ.
Tuy đứng đầu một doanh nghiệp nhưng ông Ninomiya có phong cách khá giản dị, dễ mến. Ngồi bệt xuống vỉa hè, ông Ninomiya kể, bản thân ông sống và làm việc tại Việt Nam được 4 năm, rất muốn làm việc gì đó cho Hà Nội, thành phố mang lại cho ông nhiều thiện cảm. "Công việc này rất hữu ích và không cần đầu tư tiền bạc gì", ông chia sẻ. Bây giờ, rất nhiều bạn trẻ đến tham gia làm vệ sinh quanh hồ, khi đông có thể tới 30 đến 40 người.
Cũng theo ông Ninomiya, tất cả những người Nhật tham gia nhặt rác tại Hồ Gươm đều là nhà đầu tư hoặc chuyên gia kỹ thuật đang làm việc tại Hà Nội. Ông mong muốn đến tháng 12 năm nay có thể kêu gọi được 50 người cùng tham gia. Ngoài việc trực tiếp nhặt rác, ông còn in những tờ rơi có ảnh màu kêu gọi bảo vệ môi trường và phát cho những người tham gia nhóm để mọi người có thể chuyển đến tay người khác biết về hoạt động này. Ông Ninomiya cũng tự trang bị cả chục bộ kẹp rác, túi nilon, găng tay để phát cho người muốn tham gia.
"Hãy hành động trước khi quá muộn" - đó là thông điệp người ta thường nói trong việc bảo vệ môi trường. Và điều đó chắc chắn càng mang nhiều ý nghĩa hơn, khi chúng ta vẫn đang phải đối mặt với ngày càng nhiều mối đe dọa từ "những cơn thịnh nộ" của thiên nhiên mà căn nguyên do chính con người gây ra.
Ông Ninomiya (bên trái) và nhóm bạn trẻ tình nguyện cùng nhặt rác
Nhiều lời thú nhận xấu hổNhìn những người nước ngoài cặm cụi nhặt rác ở Hồ Gươm, chúng tôi chợt có cảm giác xấu hổ. Tại sao một người nước ngoài lại có ý thức bảo vệ môi trường sống của Việt Nam trong khi đó những người Việt sinh sống trên chính quê hương mình lại không ý thức được điều đó?.
Nhiều bạn trẻ khi đến Hồ Gươm dạo chơi luôn chọn nơi sạch sẽ nhất để ngồi. Tuy nhiên, ít người biết rằng, để có được điều đó là nhờ công sức của những người đang âm thầm "làm sạch" môi trường ở khu vực Hồ Gươm.
Sau khi được phản ánh trên công luận, sự kiện này đã nhận được sự chú ý của người dân, đặc biệt là các bạn trẻ. Bác Nguyễn Văn Hùng, 78 tuổi, một người dân ở phố Tràng Tiền chia sẻ: "Đây không phải là việc làm nhỏ mà là một hành động rất cao đẹp. Một hành động mà có lẽ chưa người Hà Nội nào tự động làm được. Mọi người có cảm thấy xấu hổ nghĩ đến cảnh những ngày lễ, tết, hay những ngày nghỉ cuối tuần sau khi mọi người ùn ùn đổ lên các khu phố trung tâm để đi chơi, đi dạo, đi chụp ảnh... Và sau đó vỉa hè, đường phố như những "bãi chiến trường" với toàn rác là rác. Nếu như mọi người không làm được như doanh nhân Nhật Bản kia thì cũng cần vứt rác đúng nơi quy định".
"Mình thấy thật buồn và hổ thẹn đối với những ai vứt rác bừa bãi, nhất là khi quanh khu vực Hồ Gươm cũng có rất nhiều thùng rác. Sao chúng ta không vứt rác đúng nơi quy định? Sao chúng ta không thể hiện tình yêu cuộc sống qua mỗi việc làm thiết thực để chung tay góp sức xây dựng nên một môi trường sống văn minh, thân thiện hơn thay là những lời nói suông?", chị Dương Thị Lan, kế toán VietinBank bày tỏ.
"Tại TP.HCM cũng có nhóm tình nguyện này, cũng do 1 số người Nhật chủ trì và khoảng chục người Việt Nam tham gia. Sáng Chủ nhật hàng tuần họ quét, dọn rác, mẩu thuốc lá ở quanh tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức (đường Cách Mạng tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu). Tôi nghĩ mọi người nên dành thời gian tham gia, quan trọng hơn là các thế hệ trẻ sẽ tự nhận thức được ý thức tự giác bảo vệ môi trường", bạn Minh Nhật, TP.HCM cho biết.
Với một cái nhìn mới, ông Lê Duy Đức, cán bộ ngành giáo dục đã nghỉ hưu góp ý: "Tôi mong lãnh đạo Thủ đô Hà Nội, Sở VH-TT&DL... nên có động thái biểu dương doanh nhân người Nhật rất yêu Việt Nam này. Nhưng nghĩ lại thì thấy Thủ đô yêu dấu của chúng ta mà phải để cho người nước ngoài yêu hộ, thương giùm thì thật là buồn! Mà tình trạng này còn phổ biến trên cả nước, chứ không riêng gì Hà Nội. Gây ô nhiễm môi trường, vứt túi nilon đầy cả sông hồ, xả chất thải ra môi trường mà không qua xử lý... Hành động của doanh nhân người Nhật Bản đáng để những người dân có ý thức với Thủ đô phải suy nghĩ và hành động".
Trước đây đã có những thông tin về "ông Tây da màu" tự nguyện đẩy xe cút kít đi nhặt rác ở TP.HCM, ông Tây được gọi theo tên Việt là Việt Long xuống đường điều khiển giao thông tại Hà Nội hay một ông người Nhật nhặt rác trên bãi biển một tỉnh miền Trung… |
Nhật Tân, nguoiduatin